Home » Ẩm thực » Nguồn gốc xuất xứ của món Khoai tây chiên |
Nguồn gốc xuất xứ của món Khoai tây chiên
Người này thì khẳng định món khoai tây chiên có xuất xứ ở khu vực ven cây cầu cổ nhất bắc qua sông Seine tại thủ đô Pari (Pháp), người khác lại cho rằng "quê hương” của khoai tây chiên là ven bờ sông Maas (tiếng Pháp là Meuse) đoạn chảy qua Bỉ. Trên thực tế, món ăn đặc trưng này đều mang đậm nét văn hóa dân gian của cả hai quốc gia châu Âu nói trên. "Khoai tây chiên là một món ăn đường phố, dành cho tầng lớp bình dân. Chính vì lẽ đó, thật khó để tìm ra nguồn gốc thực sự của món ăn này", nhà sử học Madeleine Ferière giải thích. Sự mơ hồ về lịch sử món khoai tây chiên là nguồn gốc của vô số giả thiết, thậm chí là huyền thoại về món ăn khoái khẩu này. Tại Pháp, người ta tìm mọi cách để thuyết phục rằng khoai tây chiên được các quán hàng rong bán ở khu vực xung quanh cầu Mới vắt qua sông Seine sau cách mạng Pháp năm 1789. Thời kỳ đó, quanh khu vực này thường bán hạt dẻ nóng, đồ rán và khoai tây chiên vàng. Trong một thời gian dài, giả thiết này được nhiều người hưởng ứng, nhất là giới văn nghệ sĩ. "Khoai tây chiên mang hương vị Pari", nhà văn Pháp Louis Ferdinand Céline đã mô tả về món ăn này trong cuốn tiểu thuyết đầu tay xuất bản năm 1932 có tựa đề "Cuộc hành trình vào ban đêm" (Voyage au bout de la nuit). Tuy nhiên, nhiều người Bỉ tin rằng khoai tây chiên có nguồn gốc ở Namur, miền nam nước Bỉ. Thời xa xưa, người dân nơi đây có thói quen đánh bắt những loài cá nhỏ ở sông Maas rồi rán lên ăn. Vào khoảng giữa thế kỉ 17, có năm mùa đông cực kỳ khắc nghiệt, tuyết rơi dày và nước sông đóng băng khiến cho việc đánh bắt các loại cá trên sông không thể thực hiện được. Người dân Namur đã nghĩ ra một cách để vẫn có được món ăn mà họ yêu thích, đó là cắt khoai tây thành những thanh nhỏ có kích thước như những con cá nhỏ rồi rán lên thay cho món cá rán đánh bắt từ sông Maas. Giáo sư Pierre Leclerc kể lại câu chuyện này và cho rằng giả thuyết đó "có vẻ chưa đủ độ thuyết phục cho lắm”. Nguồn gốc của món khoai tây chiên đến nay vẫn còn kích thích trí tò mò của nhiều chuyên gia ẩm thực trên thế giới, đặc biệt là các ẩm thực gia của Bỉ, nơi mà món khoai tây chiên được coi như là một phần của di sản quốc gia. "Người Bỉ mê món khoai tây chiên nhưng cho đến giờ, vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học nào món ăn này", giáo sư Pierre Leclerc khẳng định. "Trong lúc nguồn gốc của món khoai tây chiên chưa rõ ràng thì điều quan trọng là cách thưởng thức món ăn này", Roel Jacobs, chuyên gia văn hóa người Bỉ, nói. Theo ông Jacobs, "Người Pháp và người Bỉ thưởng thức món khoai tây chiên rất khác nhau. Trong khi người Pháp ăn kèm với thịt, thường là thịt bò, thì người Bỉ thường chỉ ăn cùng một chút nước sốt". Nếu người Pháp thích dùng dĩa để ăn khoai tây chiên bày trong đĩa ở nhà hàng hay ở nhà thì người Bỉ thích dùng tay để bốc món ăn này hơn. Tại Bỉ có cả chuỗi các quầy bán khoai tây chiên dọc theo các đại lộ, trước nhà ga Wallonie, Flandre, hay ở các quảng trường. "Có khoảng 5.000 quầy bán khoai tây chiên tại Bỉ và hơn 90% người Bỉ lui tới đó ít nhất mỗi năm một lần", ông Bernard Lefèvre, Chủ tịch hiệp hội những đầu bếp chuyên món chiên, rán của Bỉ nói với vẻ đầy tự hào. Trong khi đó, đầu bếp Albert Verdeyen, đồng tác giả cuốn sách ẩm thực "Chuyên về các món rán" ca tụng: "Người Bỉ chúng tôi đã biến khoai tây chiên thành món ăn không đơn thuần là một loại rau. Người đầu bếp giỏi phải làm chủ được nghệ thuật chiên những miếng khoai sao cho vừa giòn vừa vàng rộm”. Theo Amthuc365.vn | |
Đã xem: 3988
| Thẻ: |
NHẬN BÀI VIẾT ẨM THỰC MỚI QUA EMAIL:
|
Tổng lời bình: 0
Gửi bình luận của bạn (viết Tiếng Việt có dấu): | |
Click mua sắm nhé! | XEM THÊM TIN MỚI |
Thành Fan của FoodnK
Bài xem nhiều
Cùng thử nào!
Tài liệu mới
Kiến thức bổ ích
Thăm dò
Thống kê
Đang online: 10
Khách: 10
Thành viên 0