Home » Thư viện » Thư viện tài liệu |
Ứng dụng công nghệ hun khói lạnh để chế biến cá chép hun khói
04-10-2012, 8:36 PM | |
Nghiên cứu này đưa ra các thông số kỹ thuật tối ưu trong chế biến cá chép hun khói bằng phương pháp hun khói lạnh. TÓM TẮT Nghiên cứu này đưa ra các thông số kỹ thuật tối ưu trong chế biến cá chép hun khói bằng phương pháp hun khói lạnh. Cụ thể: Ướp muối với tỉ lệ 5% so với nguyên liệu, trong 20 giờ; tỉ lệ phối trộn dịch khói và gia vị: 3% dịch khói, 4% đường, 0,5% bột ngọt, 0,2% natribenzoat so với nguyên liệu chính; sấy ráo ở nhiệt độ 120C trong 6 giờ; hun khói ở nhiệt độ 200C trong 12 giờ sẽ cho chất lượng sản phẩm tốt nhất. Từ đó, xây dựng được quy trình chế biến cá chép hun khói. ![]() ĐẶT VẤN ĐỀ Ở Việt Nam, mặc dù đã có một số sản phẩm hun khói từ thịt gia súc, cá biển, nhưng hầu như chưa có sản phẩm hun khói từ các loài cá nước ngọt. Vì vậy sử dụng cá chép để chế biến sản phẩm hun khói sẽ làm phong phú thêm các sản phẩm thủy sản. Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng cao về các loại sản phẩm ăn liền, đòi hỏi các loại thực phẩm này không những cung cấp đủ về mặt dinh dưỡng, độ tiện dụng mà còn phải tạo giá trị cảm quan tốt cho sản phẩm. Việc hun khói sẽ tạo màu sắc, mùi, vị đặc biệt cho sản phẩm và tác dụng phòng thối, sát trùng và chống oxy hoá nhằm tạo giá trị cảm quan đặc trưng và kéo dài thời gian bảo quản cho sản phẩm [1]. Nghiên cứu này giúp cho các nhà chế biến thuỷ sản có một qui trình để chế biến cá chép phile hun khói phù hợp, tạo ra một món ăn có hương vị, màu sắc hấp dẫn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với giá cả hợp lý. NGUYÊN/VẬT LIÊU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Nguyên liệu Nguyên liệu chính Cá chép Cyprinus carpio Quy trình công nghệ: Nguyên liệu _ Rửa _ Xử lý sơ bộ _ Rửa _ Phile _ Ướp muối _ Nhả mặn _ Tẩm dịch khói _ Sấy ráo _ Hun khói _ Bao gói chân không _ Bảo quản [2]. Bố trí thí nghiệm theo phương pháp quy hoạch thực nghiệm. Sau khi xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hun khói và chất lượng sản phẩm, bố trí quy hoạch thực nghiệm yếu tố toàn phần nhằm tìm ra chế độ hun khói tối ưu nhất, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Phương pháp phân tích các chỉ tiêu hoá lý, vi sinh và cảm quan của sản phẩm Xác định hàm lượng nước: TCVN 3700:90; hàm lượng nitơ tổng số: TCVN 3705:90; hàm lượng lipit: TCVN 3703:90; hàm lượng tro: TCVN 5105:90; hàm lượng muối: TCVN 3701:90; histamin: HPLC; tổng vi khuẩn hiếu khí: NMKL 86:1999; Coliform: NMKL 96:1994; E.coli: NMKL 125:2005; Staphylococcus aureus: NMKL 66:2003; Salmonella sp: NMKL 71:1999; Shigella: NMKL 151:1995; Vibrio cholerae: FDA 1995; Vibrio para: FDA 1995; Listeria: NMKL 136:1999; đánh giá chất lượng cảm quan của sản phẩm: TCVN 3215:79. ![]() KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN Kết quả nghiên cứu xác định chế độ ướp muối cá. Ướp muối để khử bớt một lượng nước ra khỏi cơ thịt cá, làm cho thịt cá săn chắc và tạo vị cho sản phẩm. Ngoài ra, muối còn có tác dụng phòng thối, sát khuẩn. Ảnh hưởng của công đoạn ướp muối tới sản phẩm cuối cùng là rất lớn. Do vậy cần phải nghiên cứu và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình ướp muối cá. Trong phạm vi nghiên cứu này chỉ xem xét hai yếu tố cơ bản, có ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình là nồng độ và thời gian ướp muối. Từ đó, chọn chế độ ướp muối thích hợp nhất. Phương pháp ướp muối được lựa chọn là phương pháp ướp muối ướt. ![]() Ảnh hưởng của nồng độ muối đến chất lượng cảm quan của sản phẩm Tiến hành thí nghiệm ướp muối phile cá với nồng độ muối từ 3 - 7%, thời gian ướp 10 giờ sau đó đánh giá chất lượng cảm quan. Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ muối đến chất lượng cảm quan của sản phẩm được thể hiện trên hình 2. Từ kết quả thí nghiệm cho thấy: ướp muối cá trong dung dịch có nồng độ muối là 5% có điểm cảm quan cao nhất. Lúc này cá có vị mặn hài hòa, thịt cá săn chắc, màu thịt cá tươi. Do vậy, chọn nồng độ muối 5% để ướp thịt cá phile cho các thí nghiệm tiếp theo. ![]() Ảnh hưởng của thời gian ướp muối tới hàm lượng muối của thịt cá sau khi ướp. Thí nghiệm được tiến hành với nồng độ dung dịch muối là 5%, thời gian ướp muối thay đổi từ 5 đến 20 giờ. Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian ướp muối tới hàm lượng muối của thịt cá sau khi ướp thể hiện trên hình 3. Trong thời gian 5 giờ ướp muối đầu, lượng muối ngấm vào cá chỉ đạt 1,045% do đó cá rất nhạt. Sau khoảng thời gian 20 giờ thì hàm lượng muối trong cá đạt 1,934% và đánh giá cảm quan cho thấy phile cá có vị mặn thích hợp. Sau 25 giờ lượng muối ngấm vào cá cũng sấp xỉ như 20 giờ nhưng thời gian lại kéo dài hơn nên chọn thời gian ướp muối phile cá là 20 giờ. Vậy qua các thí nghiệm xác định được chế độ ướp muối phile cá là nồng độ muối là 5% và thời gian ướp muối là 20 giờ. ![]() Xác định tỉ lệ đường cho dịch ngâm tẩm Thịt cá phile sau ướp muối đem tẩm với hỗn hợp gia vị, phụ gia theo tỷ lệ: bột ngọt: 0,5%; Natribenzoat: 0,2%; dịch khói: 3% và tỉ lệ đường thay đổi từ 2 – 6% so với nguyên liệu chính. Sau đó đem sấy ráo, hun khói và kết quả đánh giá cảm quan khi thay đổi tỷ lệ đường được thể hiện trên hình 4. Từ hình 4 ta có nhận xét: - Trạng thái và mùi sản phẩm: hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi tỷ lệ đường. - Màu sắc : tỷ lệ đường thấp 2 - 3% sản phẩm có màu vàng nhạt, ở tỷ lệ đường 5 – 6% sản phẩm có màu nâu đậm, tỷ lệ đường 4 % sản phẩm có màu vàng nâu đặc trưng của sản phẩm hun khói. - Vị: tỷ lệ đường 2 - 3% sản phẩm có vị nhạt, ở tỷ lệ 5 – 6% độ ngọt của cá hun khói tăng cao và ở tỷ lệ 4% sản phẩm có độ ngọt hài hòa nhất. Như vậy, với tỷ lệ đường 4% cho chất lượng cảm quan của thịt cá là tốt nhất, nên chọn tỷ lệ đường là 4% cho các thí nghiệm tiếp theo. Xác định tỉ lệ dịch khói cho dịch ngâm tẩm Thịt cá phile sau khi ướp muối đem tẩm hỗn hợp gia vị, phụ gia gồm 0,5% bột ngọt, 0,2% natribenzoat, 4% đường và tỉ lệ dịch khói thay đổi từ 2 – 4%. Sau đó đem sấy ráo, hun khói. Kết quả phân tích chất lượng cảm quan của sản phẩm khi thay đổi tỉ lệ dịch khói được thể hiện trên hình 5. Qua kết quả ở hình 5 ta có nhận xét: - Về trạng thái: tỉ lệ dịch khói từ 2 - 4% so với khối lượng nguyên liệu chính không ảnh hưởng đến trạng thái của sản phẩm hun khói. - Mùi: với tỉ lệ dịch khói là 2% thì sản phẩm chưa có mùi đặc trưng của khói hun. Khi tỷ lệ tăng lên 4% thì có mùi của khói hun nhưng hơi khét. Ở tỷ lệ dịch khói là 3% cho sản phẩm có mùi thơm đặc trưng của dịch khói và không có mùi lạ. - Vị: ở tỉ lệ 2% dịch khói chưa ảnh hưởng nhiều đến vị của sản phẩm, nhưng với tỉ lệ 4% sản phẩm xuất hiện vị chua, đắng. Với tỉ lệ 3% sản phẩm có vị đặc trưng của sản phẩm hun khói và không có vị lạ. - Màu sắc: sự thay đổi tỉ lệ dịch khói có ảnh hưởng lớn đến màu sắc của sản phẩm. Với tỉ lệ dịch khói là 2% hoặc 4% thì sản phẩm có màu vàng nhạt đến màu nâu đậm. Còn ở tỉ lệ dịch khói 3% cho sản phẩm có màu nâu vàng, phù hợp với sản phẩm hun khói. Vậy tỷ lệ dịch khói là 3% sản phẩm cá hun khói đạt chất lượng cảm quan tốt nhất và chọn tỷ lệ này cho dịch khói để tiến hành các thí nghiệm tiếp theo. ![]() Kết quả nghiên cứu xác định chế độ sấy ráo phile cá Công đoạn sấy ráo nhằm mục đích làm giảm hàm lượng nước trong thịt cá, tạo độ săn chắc cho cơ thịt, tăng mùi vị và màu sắc hấp dẫn của sản phẩm. Cá sau khi ngâm tẩm dịch khói được xếp lên các giàn sấy và thực hiện chế độ sấy ở nhiệt độ 120C trong thời gian 2 giờ, 4 giờ, 6 giờ, 8 giờ, 10 giờ. Tốc độ gió là 0,6m/s. Kết quả thí nghiệm được trình bày ở hình 6. Qua hình 6 ta thấy với thời gian sấy ráo cá là 2 giờ và 10 giờ cho kết quả điểm cảm quan thấp nhất. Điều này có thể giải thích do thời gian sấy ngắn (2 giờ) nên lượng nước trong cá vẫn còn nhiều vì vậy cá vẫn còn ướt. Sau 10 giờ sấy thì cá bị khô, có hiện tượng quăn mép (đặc biệt là phần thịt phía đuôi). Thời gian sấy từ 4 và 8 giờ cho điểm cảm quan gần bằng nhau và điểm cảm quan đạt được sau 6 giờ sấy ráo là cao nhất. Lúc này cá có bề mặt không bị khô, không có hiện tượng quăn mép và kết cấu cơ thịt săn chắc. Như vậy chọn thời gian sấy ráo là 6 giờ cho các thí nghiệm tiếp theo. Kết quả nghiên cứu xác định chế độ hun khói phile cá chép Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hun khói. Nhưng có 2 yếu tố quan trọng nhất là nhiệt độ và thời gian hun. Do vậy, phải xác định được nhiệt độ và thời gian hun khói thích hợp nhất. Thí nghiệm được bố trí với nhiệt độ và thời gian hun khói thay đổi đồng thời áp dụng phương pháp qui hoạch thực nghiệm với các yếu tố. X1: nhiệt độ hun khói (thay đổi từ 12 đến 280C). X2 : thời gian hun khói (thay đổi từ 8 đến 16 giờ). Với phương pháp này, số thí nghiệm được bố trí là N = 22 = 4 và 3 thí nghiệm ở trung tâm. Kết quả thực nghiệm được trình bày ở bảng 1. ![]() Từ kết quả ở bảng 1, sau khi tính toán ta có phương trình hồi qui dạng: Y = 54,6 – 2,345x1 – 0,78x2Hệ số b1 = - 2,345 < b2 = - 0,78 và |b1| > |b2| , b1<0, b2 <0 trong miền xác định đang xét khi X1, X2 tăng thì lượng nước trong sản phẩm giảm và hàm ẩm của cá phụ thuộc vào nhiệt độ hun khói (X1) nhiều hơn phụ thuộc vào thời gian hun khói (X2). Từ việc tính toán và căn cứ vào kết quả ta thấy: Khi hun khói lạnh ở nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, thì lớp bề mặt ngoài của sản phẩm bị khô cứng lại, tạo màng cản trở sự khuếch tán nội xẩy ra, vì vậy có kéo dài thời gian hun khói cũng chỉ làm cho bề mặt sản phẩm khô cứng thêm nhưng trong tâm sản phẩm vẫn có hàm lượng nước cao. Mặt khác khi hun ở nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng đến giá trị cảm quan của sản phẩm (sản phẩm khô không đều, bị quăn mép, đặc biệt là phần thịt phía đuôi cá, mùi khét). Do vậy, để đảm bảo độ ẩm sản phẩm và đáp ứng chất lượng cảm quan, chọn nhiệt độ hun khói là 200C ± 20C và thời gian 12 giờ. Khi đó hàm lượng ẩm trong sản phẩm vào khoảng 64,60 ± 1,05 %, sản phẩm có bề mặt nhẵn, khô đều, màu vàng nâu đều đẹp, mùi vị hấp dẫn đặc trưng của sản phẩm hun khói. Xây dựng qui trình chế biến cá chép phile hun khói Từ các kết quả thực nghiệm thu được ở trên cho phép xây dựng qui trình cá chép phile hun khói như sau: ![]() Nguyên liệu: Chọn cá chép tươi, nguyên vẹn không bị bầm dập, cơ thịt săn chắc, đàn hồi, mang đỏ, mùi tanh tự nhiên của cá tươi. Kích cỡ nguyên liệu từ 800 - 1000g/con. Xử lý nguyên liệu: Cá chép được rửa sạch để loại bỏ tạp chất, vi sinh vật sau đó đánh sạch vẩy, mổ bỏ nội tạng, rửa sạch máu, nhớt, vi sinh vật, để ráo nước chuẩn bị tiến hành phi lê. Phile thịt cá: Dùng dao sắc, nhọn để phile cá, tách thành 2 khối cơ thịt của cá, dùng nhíp để nhổ hết xương dăm có trong thịt cá, dùng dao lột bỏ hết lớp da, nạo bỏ hết màng bụng. Ướp muối, nhả mặn: Pha dung dịch muối nồng độ 5 %, để lắng, lọc bỏ cặn tạp. Ngâm cá vào dung dịch nước muối cho ngập cá, thời gian ướp 20 giờ. Ướp muối xong rửa cá dưới vòi nước và tiếp tục ngâm cá trong nước đá lạnh, tỉ lệ cá/nước là 1/2 để nhả bớt mặn. Tẩm dịch khói và phối trộn gia vị: Cá sau khi nhả mặn, được ngâm trong dung dịch bao gồm: Dịch khói 3 %, đường 4 %, natribenzoat 0,2 %, bột ngọt 0,5 % cho đến khi thịt cá ngấm đều gia vị (từ 3 đến 4 giờ). Sấy ráo: Cho cá đã tẩm dịch khói và gia vị vào thiết bị hun khói lạnh để sấy ráo ở nhiệt độ 120C trong 6 giờ. Hun khói: Đốt lò hun bằng gỗ cây bồ đề. Các miếng cá phile được xếp vào các khay lưới, khoảng cách giữa các miếng cá là 1,0 cm. Nhiệt độ hun khói là 200C, thời gian hun khói trong 12 giờ. Trong khi hun khói cứ 30 phút thì đảo vị trí của các khay, lật trở để cá được thẩm thấu khói đều. Chỉnh hình, cắt miếng, bao gói: Dùng dao sắc cắt tỉa xung quanh miếng cá philê đặc biệt là phần đuôi (do thịt phần này mỏng, dễ bị quăn mép và màu sắc nâu sẫm, khô cứng). Có thể cắt thành từng lát mỏng trước lúc bao gói để thuận tiện sử dụng sau này. Cân cá từng 200g cá cho vào túi nhựa PE, hút chân không (90 %), hàn kín miệng túi. Bảo quản: Cá sau khi được bao gói hút chân không (90 %). Đem bảo quản ở nhiệt độ 2 ± 20C, thời hạn sử dụng tốt nhất trong thời gian 30 ngày kể từ ngày sản xuất. Đánh giá chất lượng sản phẩm Kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng, hóa học và các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm làm theo quy trình công nghệ của nghiên cứu này được thể hiện tại bảng 2 và bảng 3. Kết quả phân tích ở bảng 2 và bảng 3 cho thấy sản phẩm cá chép xông khói có chất lượng tốt, đảm bảo VSATTP theo các quy định hiện hành. ![]() KẾT LUẬN Cá chép (Cyprinus carpio) là loài cá nước ngọt nhưng có giá trị dinh dưỡng cao, cơ thịt săn chắc, màu trắng thích hợp cho việc chế biến sản phẩm hun khói. Nghiên cứu này đã đưa ra được các thông số kỹ thuật tối ưu liên quan đến quá trình chế biến cá chép hun khói bằng phương pháp hun khói lạnh, cụ thể: Ướp muối với tỉ lệ 5 % so với nguyên liệu, trong thời gian 20 giờ; tỉ lệ phối trộn dịch khói và gia vị: 3 % dịch khói, 4 % đường, 0,5 % bột ngọt, 0,2 % natribenzoat so với nguyên liệu chính; sấy ráo ở nhiệt độ 120C trong thời gian 6 giờ; hun khói ở nhiệt độ 200C trong thời gian 12 giờ sẽ cho chất lượng sản phẩm tốt nhất. Từ đó, đã xây dựng được quy trình chế biến cá chép hun khói đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đào Trọng Hiếu, ThS. Cục Chế biến, Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề Muối Phạm Huy Hưng,KS. Viện Nghiên cứu Hải sản | |
Đã xem: 4951 | Đã tải về: 0 | Bình chọn: 5.0/1 |
NHẬN BÀI VIẾT ẨM THỰC MỚI QUA EMAIL:
|
Tổng lời bình: 0 | |
Click Mua Sắm Nhé | XEM THÊM TÀI LIỆU MỚI |
Thành Fan của FoodnK
Bài xem nhiều
Cùng thử nào!
Tài liệu mới
Kiến thức bổ ích
Thăm dò
Thống kê
Đang online: 1
Khách: 1
Thành viên 0